Văn bản Mây và sóng ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người. Để hiểu hơn về văn bản này, HOC247 mời các em cùng tham khảo bài soạn Mây và sóng thuộc sách Cánh Diều dưới đây. Cùng với đó, bài giảng Mây và sóng - CD sẽ hỗ trợ các em nắm vững nội dung trọng tâm của bài thơ. Mời các em cùng tham khảo nhé!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Thông qua cuộc trò chuyện của em bé với mẹ, bài thơ Mây và sóng của Ta-go ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc. Bài thơ chứa đựng những triết lí giản dị nhưng đúng đắn về hạnh phúc trong cuộc đời.
1.2. Nghệ thuật
- Sử dụng hình ảnh mang giàu chất trữ tình mang ý nghĩa biểu tượng
- Kết cấu bài thơ như một câu chuyện kể tạo ấn tượng thú vị với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé
- Nghệ thuật đối lập, ẩn dụ, nhân hóa….
2. Soạn bài Mây và sóng - Ta-go Ngữ văn 7 tập 2 Cánh Diều
2.1. Chuẩn bị đọc
Câu hỏi:
- Đọc trước bài thơ Mây và sóng, tìm hiểu thêm về nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore).
- Nhớ lại những trò chơi với mẹ hoặc người thân trong gia đình khi em còn nhỏ và chia sẻ với bạn bè về cảm xúc của mình khi chơi những trò chơi đó.
Trả lời:
* Nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore).
R. Ta-go (1861-1941) tên đầy đủ là Ra-bin-đra-nát Ta-go (Ra-bin-đra-nát nghĩa là Thần Thái Dương, là nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ, xuất thân trong 1 gia đình quý tộc nhưng số phận Ta-go gặp nhiều bất hạnh.
- Năm 1913, ông trở thanh người Châu Á đầu tiên được trao Giải Nobel Văn học với tập "Thơ dâng".
- Ta-go đã để lại cho nhân loại gia tài văn hóa đồ sộ: 52 tập thơ, 42 vở kịch, khoảng 100 truyện ngăn, trên 1500 bức họa.. tiêu biểu như: Tập thơ Người làm vườn, tập Trăng non, tập Thơ dâng.
- Phong cách sáng tác thơ ca, những tác phẩm của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và chất trữ tình triết lí nồng đượm.
* Cảm xúc khi chơi những trò chơi với mẹ hoặc người than trong gia đình: Buổi tối em thường cùng với em gái ( thỉnh thoảng còn có cả bố mẹ) của mình chơi cá ngựa. Hai anh em sau những giờ học căng thẳng, chúng em được giải trí, được nói cười và quan trọng hơn là tình cảm gia đình cũng được gắn kết hơn.
2.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1: Chú ý sự tưởng tượng của em bé và các hình ảnh đẹp trong đoạn thơ.
Trả lời:
- Em bé tưởng tượng trong mây và trong song có người rủ mình đi chơi.
- Hình ảnh đẹp trong đoạn thơ: bình minh vàng, vầng trăng bạc.
Câu 2: Những hình ảnh thiên nhiên nào được nhắc đến trong toàn bộ bài thơ?
Trả lời:
Hình ảnh thiên nhiên được nhắc đến trong bài thơ: mây, sóng.
Câu 3: Chú ý lời nói của em bé sau lời mời gọi của những người “trên mây” và “trong sóng".
Trả lời:
Những người “ trên mây” và “trong sóng” mời gọi, rủ đi chơi nhưng em bé đã từ chối vì “mẹ đang đợi ở nhà”.
2.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1: Về hình thức, văn bản Mây và sóng có gì khác so với các văn bản thì em đã học ở Bài 2? Bài thơ có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh,...)?
Trả lời:
- Về hình thức văn bản Mây và sóng là một bài thơ nhưng các câu thơ dài ngắn khác nhau. Bài thơ có cả phần trích dẫn lời nói trực tiếp ở trong ngoặc kép, bài thơ còn không có vần luật. Bài thơ Mây và sóng khác với những bài thơ em đã học ở bài 2 về hình thức.
- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2: Bài thơ có thể chia làm hai phần (phần 1: từ đầu đến “bầu trời xanh thẳm": phần 2: còn lại). Em hãy chỉ ra những nét giống nhau và khác nhau của hai phần đó về số dòng, hình ảnh, cách tổ chức mỗi phần.
Trả lời:
- Nét giống nhau về hai phần của bài thơ:
+ Phần 1 và phần 2 có số dòng thơ bằng nhau
+ Đều mở đầu bằng lời mời gọi và kết thúc bằng lời chối từ, người con nghĩ ra một trò chơi thú vị với người mẹ của mình.
- Khác nhau:
+ Phần 1 là lời mời gọi của những người ở trong mây, con nghĩ ra trò chơi con là mây và mẹ sẽ là trăng.
+ Phần 2 là lời mời gọi của những người ở trong sóng, lúc này con nghĩ ra trò chơi với mẹ con sẽ là sóng còn mẹ sẽ là những bến bờ.
Câu 3: Cuộc vui chơi của những người “trên mây” và “trong sóng” hấp dẫn ở chỗ nào? Tại sao em bé không tham gia?
Trả lời:
Cuộc vui chơi của những người trên mây và trong sóng vô cùng hấp dẫn: họ được chơi từ sáng sớm tới chiều tà, được ngao du khám phá nhiều điều thú vị. Nhưng em bé không tham gia vì mẹ đang chờ ở nhà.
Câu 4: Theo em, vì sao những trò chơi do em bé tạo ra lại thú vị và hay hơn?
Trả lời:
Theo em những trò chơi do em bé tại ra thú vị và hay hơn bởi em được chơi cùng với mẹ của mình.
Câu 5: Những hình ảnh thiên nhiên được nhắc tới trong các trò chơi của em bé có đặc điểm như thế nào? Qua đó, nhà thơ muốn thể hiện điều gì?
Trả lời:
- Những hình ảnh thiên nhiên được nhắc tới trong các trò chơi của em bé có đặc điểm là con và mẹ sẽ hóa than vào để trở thành những hình ảnh thiên nhiên.
- Qua đó tác giả muốn ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng
Câu 6: Theo em, qua bài thơ, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì về tình mẫu tử?
Trả lời:
Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ về tình mẫu tử: Hạnh phúc không ở đâu xa mà ngay trong chính vòng tay của mẹ. Mẹ là người luôn song hành cùng ta trên những chặng đường , mẹ giúp ta vượt ra khỏi những cám dỗ của cuộc sống.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:
- Bài giảng Mây và sóng - Ta-go
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Phân tích bài thơ "Mây và sóng" của Ta-go.
Trả lời:
Trong kho tàng văn học của nhân loại đã có biết bao tác phẩm viết về tình cảm gia đình. Ta đã biết những tác phẩm như Bếp lửa, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Con cò... Bên cạnh những tác phẩm rất quen thuộc đó còn có bài thơ Mây và sóng của Ta-go - một tác phẩm thơ nói lên tình mẫu tử bao la, rộng lớn của một đại thi hào Ấn Độ.
Trò chơi của những người sống trên mây và sóng thật thú vị, không gì tả nổi, hấp dẫn đến lạ kì:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”
“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.
Thiên nhiên bao la, rộng lớn đang mở ra trước mắt em bé. Được chơi với mây, với vầng trăng bạc, ngao du nơi này nơi nọ đối với em bé là cả một niềm vui thích, rồi được chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Hẳn rằng em bé sẽ không bỏ lỡ cơ hội đó qua đi, em đã hỏi:
“Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.
“Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.
Đó là một điều thật dễ hiểu, dù sao em bé vẫn chỉ là một em bé mà thôi. Nhưng đúng lúc này hình ảnh người mẹ lại hiện lên trong tâm trí em:
“Mẹ mình đang đợi ở nhà” - con bảo - “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”
Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.
Em đúng là một đứa bé ngoan, lời từ chối của em thật ngây thơ, trong sáng đến mức khiến cho họ phải mỉm cười, nhảy múa rồi lướt qua. Chính mẹ em bé, tình yêu thương của mẹ dành cho em đã trở thành sợi dây vô hình buộc chặt em bé ở lại, buộc chặt tâm trí em với lòng mẹ.
Cũng chính vì điều đó mà những trò chơi sáng tạo của em bé thú vị chẳng kém trò chơi của những người sống trên mây và sóng:
Con là mây và mẹ sẽ là trăng.
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.
Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Mây, trăng, sóng, bờ biển đều đã thể hiện lên trò chơi của em nhưng trong đó lại có cả mẹ. Ở đây, thiên nhiên rộng lớn, kì ảo, thơ mộng vẫn hiện lên. Nó còn hiện lên đậm nét hơn nữa qua tình cảm của em bé với mẹ. Em sẽ lấy đôi tay choàng lên người mẹ. Rồi sẽ lăn, lăn, lăn mãi cùng tiếng cười vỡ tan vào lòng mẹ. Tình cảm ấy thật sâu đậm, thật thiết tha. Và chắc chắn rằng nó sẽ kéo dài từ bình minh đến tối.
Nổi bật hẳn lên trong phần hai cũng như là một điểm nhấn cho toàn bộ tác phẩm chính là câu thơ và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào. Tại sao em bé lại nói như vậy, đó là bởi em tin chắc rằng tình cảm giữa em và người mẹ sẽ ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Tình cảm ấy sâu sắc đến mức không ai có thể hiểu hết được. Tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt, hoà cả vào trong thiên nhiên bao la, thơ mộng.
Với kết cấu lặp lại giữa hai phần nhưng tác phẩm không vì thế mà trở nên nhàm chán. Ngược lại, tác phẩm càng thêm sức lôi cuốn bởi tác giả Ta-go đã khéo léo tạo ra thêm thử thách thứ hai cho em bé. Chính điều đó đã tạo ra tình cảm mẫu tử trong bài thơ này, một tình cảm trong gian lao, thử thách càng thêm bền chặt. Cùng với đó, Ta-go đã tinh thế chọn ra những hình ảnh mây, trăng, sóng, bờ biển để làm biểu tượng cho thiên nhiên. Những hình ảnh biểu tượng đó được nhân hoá lên có tâm hồn, tiếng nói khiến cho chúng thêm phần sống động trước mắt người đọc. Giọng điệu thiết tha, sâu sắc của một người con với mẹ của mình.
Tác phẩm Mây và sóng của Ta-go tựa như một bài ca. Bài ca ấy cho người đọc thấu hiểu rằng tình mẫu tử là thiêng liêng, bất diệt. Đồng thời nó cũng nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về cuộc đời bao giờ cũng có những cám dỗ, điều quan trọng là ta phải biết vượt qua nó. Một trong những động lực giúp ta biết vượt qua chính là tình cảm của người mẹ dành cho ta. Với những điều đó, tác phẩm đã để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng người đọc.
4. Hỏi đáp về bài Mây và sóng - Ta-go Ngữ văn 7 tập 2 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
5. Một số văn mẫu bài Mây và sóng - Ta-go Ngữ văn 7 tập 2 Cánh Diều
Mây và sóng - Ta-go đã giúp các em hiểu được một cách chân thành, thấm thía tình mẹ con thiêng liêng qua lời thủ thỉ chân tình của em bé về những cuộc đối thoại tưởng tương giữa em với những người sống trên "mây và sóng". Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: